Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG - MICHEL HUBAUT


Chương 10: Mặt sáng và tối của thinh lặng.
Từ thời cổ đại, các nhà tư tưởng và luân lý thường nhắc đến bao nhiêu ân ích của sự thinh lặng trong đời sống cá nhân và tập thể của con người.
Plutarque từng viết: “Tôi chưa bao giờ phải hối hận vì đã im lặng, nhưng thường hối hận vì đã nói quá nhiều”.
Và sự khôn ngoan dân gian cũng công nhận nếu: “Lời nói là bạc”… thì “im lặng là vàng!”
Như vậy, trong mọi nền văn hóa, chúng ta cũng có thể nhặt ra những phương ngôn liên quan đến sự thinh lặng tế nhị. 
Nó không rêu rao đầu làng cuối xóm những yếu đuối của anh chị em mình, nó tránh làm ô danh kẻ khác.

Sự thinh lặng nhẫn nại biết rằng có một thời để nói và có một thời để im lặng.

Sự thinh lặng cẩn trọng cân nhắc từng lời và không vội lên án. Sự thinh lặng thông cảm biểu hiện bằng hành động hơn là bằng lời nói, một tình cảm chân thành đối với người bị thương tích trong tâm hồn hay trên thể xác.

Sự thinh lặng khiêm nhường thừa nhận giới hạn của lý trí và hiểu biết của con người và chấp nhận mở lòng đối với một ánh sáng khác.

Trong truyền thống Kitô giáo, các bậc thầy về sa mạc và các nhà linh đạo lớn đã dành nhiều chương để ca tụng sự thinh lặng; mà họ thường xem là khu đất màu mỡ cho các nhân đức đối thần, đức tin, đức cậy, đức mến, cho sự sống trong Thánh Thần; cho sự thánh thiện.

Dựa trên kinh nghiệm bản thân, các ngài đã xem sự thinh lặng là một bậc thầy vô song; giúp mình phát triển khả năng tập trung vào Thiên Chúa, vào tha nhân, và như thế chuẩn bị cho mình điều kiện để thờ lạy Thiên Chúa và phục vụ con người.

Nhưng nếu chúng ta trân trọng sự thinh lặng, người bạn đồng hành đầy nhân bản, thì cũng phải cảnh giác trước những hí họa về thinh lặng.

Vì sự thinh lặng của con người, cũng như mọi thứ khác của con người, là một điều hàm hồ.
Không phải bất cứ sự thinh lặng nào cũng đương nhiên là nhân đức, là lành mạnh, là dấu chỉ của sự khôn ngoan hay chiều sâu nội tâm. 

Trong số những người thinh lặng, ta gặp phải cả các vị thánh lẫn những tên tội phạm.
Chúng ta hãy tạm gợi lên vài mẫu trong hàng loạt các hí họa về thinh lặng, hay các sự thinh lặng xấu xa.

Thinh lặng dửng dưng: xem người khác chỉ là bối cảnh cho một cuộc sống ích kỷ.
Thinh lặng khinh bỉ: nhìn xuống kẻ khác với cái nhìn trịch thượng.
Thinh lặng khắc kỷ: “làm chủ bản thân”, mà những câu nổi danh của Alfred de Vigny đã minh họa: “Chỉ có im lặng là cao cả, mọi thứ khác đều là yếu đuối… Than van, khóc lóc, nguyện cầu, đều hèn hạ như nhau”.

Thinh lặng ngạo nghễ của một kẻ tự mãn, một người chỉ đáp lại, như lời của tác giả ấy “bằng một sự thinh lặng lạnh lùng, đối với sự thinh lặng vĩnh hằng của Thượng Đế!”

Thinh lặng kiêu căng: không chịu ngưỡng mộ và đón nhận những việc làm hoặc lời nói tốt lành nơi kẻ khác.
Thinh lặng lười biếng: không muốn bỏ công tạo ra các mối liên hệ.
Thinh lặng của kẻ ngu vì không có gì để nói; nhưng lại muốn dùng sự câm lặng của mình để cho mọi người tưởng rằng tư tưởng mình sâu sắc. Nhưng như lời các ngôn: “Sự thinh lặng của kẻ ngu cũng giống như một cái tủ khóa kín”.
Thinh lặng oán hờn: gặm nhấm những vết thương lòng và không muốn nối lại cuộc đối thoại bị gián đoạn.
Thinh lặng yếu đuối: sợ phải dấn thân.
Thinh lặng hèn nhát: cố gắng để khỏi bị liên lụy.
Thinh lặng đồng lõa: đồng tình giữ kín.
Thinh lặng phản bội: trốn tránh không đưa ra một chứng từ mà mọi người chờ đợi.

Như vậy, theo các hình ảnh trên, ta có những thinh lặng tốt và xấu, phản ánh hai bộ mặt của chúng ta bộ mặt tối và bộ mặt sáng.

Trong thinh lặng, chúng ta có thể tẩy rửa mình, thống nhất bản thân, nhưng cũng có thể tự hủy diệt mình.

Do đó, sự thinh lặng có thể biểu hiện sự tôn trọng hay lòng khinh bỉ, tình yêu hay thù hận, niềm vui hay đau khổ, suy tư hay ngu dốt, bệnh hoạn hay cởi mở…

Làm thế nào để biện phân giữa sự câm lặng chẳng hạn; của kẻ ít nói, của kẻ hằn học, của kẻ oán hờn, của kẻ ghét người, của kẻ thu về mình; với sự thinh lặng của một hiền nhân?

Cách đầu tiên để phân định về phẩm chất của sự thinh lặng của mình, ấy là phân định về phẩm chất của tình yêu mình, của những tương quan của mình đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

15 nhận xét:

  1. Trong thinh lặng ta tim được Chúa và kết hiệp với Người.

    Trả lờiXóa
  2. Trong thinh lặng ta tim được Chúa và kết hiệp với Người.

    Trả lờiXóa
  3. Trong thinh lặng ta tim được Chúa và kết hiệp với Người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn
      đó là điều cơ bản nhất của thinh lặng...

      Xóa
  4. Đôi khi trong giao tiếp em nói hơi nhiều. Ngay cả khi comments cho những bài viết của bạn bè, thật ra em quá bận tâm vào việc trình bày, giải thích vấn đề và cố gắng trả lời mọi câu hỏi khi mà mình được hỏi trong giao tiếp , hay khi tìm ra những ý những tứ đặt ra trong bài viết. Nay em chỉ nói sự thinh lặng ở khía cạnh lời nói nha.
    Có vô vàn vấn đề liên quan đến lời nói và im lặng, thực tế có những câu hỏi có thể được trả lời bằng sự im lặng.
    Đôi khi có bài viết ngược với suy nghĩ của mình, những lời comments nó như lời phàn nàn, nhận xét của mình trở thành tiêu cực thì sự im lặng là một lựa chọn tuyệt vời. Giống hệt như khi ai đó nói điều gì đó, chúng ta không đồng ý hoặc cảm thấy khó chịu. Nếu im lặng, nghĩa là đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng ta không đồng ý, không cùng ý kiến với những gì người đó nói.
    Nhưng mà có lúc im lặng là do mình hiểu về điều gì đó chưa được chắc chắn, và điều ấy phải nói ra thì nên chọn im lặng, cho tới khi cảm thấy chắc chắn hơn.
    Cái câu "Im lặng là vàng" chắc là có từ lâu lắm rồi. Thế không im lặng thì sẽ là gì nhỉ... Lời nói không đúng lúc đúng chỗ bao giờ cũng rất rẻ mạt, thậm chí nguy hiểm "Ếch chết tại miệng" đấy thây. Hóa ra là lời nói cũng rất "Bạc" Cứ suy luận linh tinh thì thấy nói ra là bạc và không nói ra lại là vàng...Phức tạp quá chị Tím ạ!Các cụ non như em đây vẫn nghe các cụ già nói "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lợi mà nói cho vừa lòng nhau." Nhưng có những người dùng biện pháp im lặng để trừng phạt người khác khiến cho họ rơi vào trạng thái ức chế trầm trọng, muốn giải tỏa hiểu lầm cũng không có đủ kiên nhẫn thế mới gay go chứ.
    Em kể chị nghe câu chuyện như là em lấy ví dụ nha:
    Con bạn em nó lấy một thằng chồng hiền lành và ít nói, những lúc bình thường chúng nó rất vui, nhưng nếu có chuyện gì làm anh ta lên cơn giận dỗi, anh chồng nó không bao giờ mở miệng nói câu nào. Vì như vậy làm cho bạn ấy cảm thấy rất ngột ngạt. Là vợ chồng thì ngày ăn chung , đêm ngủ chung, chẳng nói với nhau câu nào, có khi giận đến hàng tuần. Cuối cùng, bạn ấy chọn cách chia tay vì không thể ở cùng và sống cạnh người thích "đào vàng" từ im lặng.
    Ô thế hóa ra im lặng cũng chả ra gì.
    Nhưng! Lại nhưng ! Em có một kinh nghiệm thế này; Có nhiều khi chia sẻ với bạn mình về một mất mát nào đó, im lặng và một cái ôm khi ấy có giá trị cao hơn nhiều tất cả mọi lời chia buồn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thú vị nhất là đọc cảm nhận của em
      vì bao giờ em cũng nói thấu đáo,
      có những vấn đề chị thấy khó để nói hết cảm nhận của mình, em vẫn bằng cách nầy cách khác để nói lên được, chị cũng ước ghi được cảm nhận như vậy, nhưng vốn chữ nghĩa để diễn đạt của chị thật yếu, và có nhiều vấn đề chị chỉ cảm thấy chứ không nói được.
      Chính vì thế cảm nhận của em, không thể xếp vào nhiều lời được.
      Em thấy vấn đề một cách thấu suốt và nói về nó một cách thấu đáo.
      Đối với người được em ghi cảm nhận thì em rất tận tình, thình thoảng chị cũng đọc những cảm nhận liên can đến việc em biết và được hỏi, em trả lời cặn kẻ.
      Chuyện tìm cách nầy cách khác để trả lời, luôn đáng trân trọng.
      Chị sợ nhân vật im lặng trong chuyện em kể, sống với người đó cũng bị khủng bố có khác gì với người nói không kịp thở...
      Có nhưng con người im lặng đến giết người không dao
      Sự im lặng nặng nề chứa như cả thù oán hết cở, sự khước từ tận cùng sự hiện diện...
      Chị nghĩ chẳng cần quyết tâm sống yên lặng, chỉ cứ sống sao cho yêu thương tràn đầy, cho tha nhân cảm nhận được mình trân trọng, rồi cứ theo đó để yên lặng hay trao lời.
      Chị cám ơn Sỏi đã luôn đồng hành với chị qua những bài viết, qua những tâm trạng.
      Cầu chúc em luôn an lành nhé.
      Thân Chào !

      Xóa
    2. Cứ hễ chị viết thì em khen hay xong rồi em viết chị lại khen hay, Hihi Hai chị em mình cái gì cũng hay à! chết mất thôi! Hihi!

      Xóa
    3. À há,
      chứ ai vào đây mà dám nói chị em mình không hay xem nào...
      Chắc khi nớ chết với chị quá...

      Nói thì mạnh miệng vậy,
      chứ khi nớ chắc chị gật đầu lia lịa...
      Chị thì chưa chắc đã hay chứ đọc cảm nhận của Sỏi
      ai mà không khen hè...

      Blog vắng lắm
      may mà có em...
      đời còn thấy...dzui

      Xóa
  5. Cảm ơn chị Tím đã chia sẻ bài viết hay,đã nói lên cả 2 mặt của sự thinh lặng,tích cực và tiêu cực.Vâng,sự im lặng có lúc rất đáng quý,nhưng nhiều khi chính là biểu hiện của sự hèn nhát.
    Chúc chị an bình !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui vì Quỳnh đã ghé thăm, đọc hết bài và để lại cảm nhận.
      Đó cũng là một khích lệ cho chị.
      Chúc Quỳnh luôn an vui nhé.

      Xóa
  6. Bài viết rất ý nghĩa. Im lặng khi cần thiết, im lặng đúng lúc, im lặng có suy nghĩ có lẽ sẽ tốt hơn.
    Em chúc chị luôn an vui ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn đã dành giờ thăm chị,
      một bài đọc khô khan
      được em đọc và để lại cảm nhận.
      Cuộc sống mình nối liền giữa lời nói và im lặng, thứ gì cũng để chuyển tải tình yêu...Mong lắm thay...

      Xóa
  7. một ngày mới đến rồi, em chúc chị nhiều niềm vui nhé Tím...
    nói là một trong cách để ng khác hiểu ta hơn.Thinh lặng cũng là cách biểu lộ cảm xúc, nhưng cũng tuỳ vào hoàn cảnh và ng đối diện Và như HĐ nói đấy: Im lặng khi cần thiết, im lặng đúng lúc..
    cảm ơn bài viết của chị...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em đã ghé thăm chị và đọc trọn bài viết, như em nói :
      "Nói là một trong cách
      để người khác hiểu ta hơn.
      Thinh lặng cũng là cách
      biểu lộ cảm xúc..."
      Ước gì lời nói luôn là để hiểu nhau hơn
      và mãi mãi lời nói không để làm nhau đau, ước gì im lặng chứa chan sự cảm thông, sự thấu cảm và yêu thương.

      Chiều an lành nhé.

      Xóa

Các bạn có thể dán link hình trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ