Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG - MICHEL HUBAUT

Chương XI. Sự thinh lặng của con người trong Kinh Thánh


“Có một thời để làm thinh và một thời để lên tiếng” (Gv 3, 7)

Trong toàn bộ các bản văn Cựu Ước, sự thinh lặng của con người rất ít được nhắc đến.
Trái lại văn chương khôn ngoan đã nhiều lần nhắc đến thinh lặng.
Những hiền nhân trong Cựu Ước thường triển khai chủ đề thinh lặng này, và đôi khi xem đấy là phản xạ của một sự thận trọng có tính toán; hoặc đơn thuần là một thái độ lịch sự trong xã giao.
“Hãy nói cho gọn, ít lời, nhiều ý, như là kẻ vừa quán triệt vấn đề vừa biết nín thinh. Giữa hàng quyền chức, con đừng làm như kẻ bằng vai; và khi người khác nói, con chớ bô bô cái miệng”. (Hc 32,8-9)

Nhưng nhất là các hiền nhân trong Kinh Thánh, dường như có một nỗi nghi ngờ tự bản năng đối với lời nói:
“Người năng nói, năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn.” (Cn 10, 19);
“Quân vô đạo dùng miệng lưỡi làm hại tha nhân, đứa ngồi lê đôi mach sẽ tiết lộ điều bí mật, còn người tín cẩn giữ kín chuyện riêng tư.” (Cn 11, 9.13);
“Người chính trực ghét lời dối trá lọc lừa kẻ gian ác làm điều xấu xa ô nhục.” (Cn 13, 5);
“Càng lắm lời càng nhiều chuyện hão.” (Gv 6, 11)…

Ai nói quá nhiều khó lòng tránh được hời hợt, hay thiên về việc nói xấu, hay vu cáo.
“Người không biết giữ miệng ví như một thành bỏ ngỏ, không tường lũy chở che.” (Cn 25, 28).

Việc nói quá nhiều những lời xấu xa chẳng những làm ô danh người khác, mà còn làm hoen ố tâm hồn mình. Những tác hại của lời vu cáo; của việc không làm chủ miệng lưỡi mình, được minh họa trong câu chuyện ngụ ngôn miền Bretagne sau đây:

“Một phụ nữ nọ đã xưng thú rằng mình nói những điều không phải đối với láng giềng. Cha xứ bảo bà làm việc đền tội bằng cách đem một con ngỗng lên đỉnh đồi mà nhổ lông trong một ngày lộng gió. Bà đã thi hành. Nhưng khi bà đến báo cáo việc làm của mình, cha xứ yêu cầu bà đi thu nhặt lại mọi chiếc lông ngỗng kia!
- Thưa cha, con đâu thể nào làm được, vì bây giờ chúng đã bay khắp nơi, và có nhiều lông bay ra khỏi làng ta rồi! Cha xứ hỏi:
- Con à, những lời nói xấu và vu cáo cũng như thế đấy, con sẽ chẳng bao giờ thu lại được!”

Thinh lặng cũng có thể biểu hiện cho một tâm hồn cao thượng, và đại lượng đối với những yếu đuối của tha nhân:
“Kẻ thiếu lương tri mới khinh khi người khác, người giàu hiểu biết thì ngậm miệng làm thinh”(Cn 11, 12).

Chính lòng nhân hậu, tình thương, sự tôn trọng kẻ khác mới giữ chúng ta khỏi rêu rao, loan truyền một chuyện ô nhục, một kỷ niệm đau lòng nào đó, hầu không thêm gánh nặng cho người đã bị tổn thương. Thái độ lịch sự và tế nhị thường đi đôi với sự thinh lặng.

Và trước sự đau đớn; hay trước nỗi khổ của một bạn hữu hay một anh em, thì tốt hơn là nên thinh lặng.
Như Gióp đã nói với những người đến thăm ông và nói huyên thuyên để an ủi ông: “Phải chi các anh biết nín lặng! Như thế các anh mới là người khôn ngoan” (Gl 13, 5).

Thật khó mà không đáp lại một lời chửi rủa bằng một lời chửi rủa, một tiếng la hét bằng một câu lớn tiếng.
Cần phải có một sức mạnh tâm hồn để đôi khi biết thinh lặng trong một cuộc cãi vã mà cảm xúc vượt qua lý trí.
Lòng kiêu ngạo bị tổn thương thì tự nhiên tìm cách nói tiếng cuối cùng.
Không dễ gì im lặng khi ta tin chắc rằng mình đang có lý.
Nhất là khó im lặng khi người vô liêm sỉ hay độc ác có vẻ thắng thế.

Hẳn là không lành mạnh nếu để cho người khác chà đạp mình. Biết tự vệ đôi khi là một vấn đề phẩm giá và công bình.
Nhưng sức mạnh của một người thinh lặng ấy là không để mình sa vào một cơn giận dữ không kiềm chế, và biết phân định cơ hội để đáp lời.

Chúng ta chẳng thường hối hận vì mình dễ dàng để cho những phản ứng tức thì lôi cuốn, mà không kịp cân nhắc lời nói đó sao?

Đôi khi, sự thinh lặng lại hùng biện hơn. Ta có thể cho rằng lời nói trong thời điểm ấy, sẽ không làm gia tăng tình yêu và chân lý; vì người anh em mình không ở trong trạng huống cần thiết để lắng nghe.

Sau cùng, đối với các hiền nhân trong Kinh Thánh sự khôn ngoan thuần túy nhân loại này cũng đã là một ân sủng của Thiên Chúa, Đấng giúp chúng ta phân định lúc nào nên nói và lúc nào nên im.


“Lạy Chúa, xin canh giữ miệng lưỡi con và trông chừng môi miệng con”. (Tv 140, 3)

10 nhận xét:

  1. Sự thinh lặng của hiểu biết hàm chứa một nội lực phi thường.Người có bản lĩnh,từng trải luôn thể hiện sự thinh lặng đúng lúc và hiệu quả.
    Cảm ơn chị Tím đã chia sẻ bài viết càng hiểu thêm giá trị cùng ý nghĩa của sự thinh lặng.
    Chúc chị an lành !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Người có bản lĩnh,từng trải
      luôn thể hiện sự thinh lặng
      đúng lúc và hiệu quả."

      Cám ơn Quỳnh đã ghé thăm đọc bài và để lại cảm nhận chính xác luôn.

      Để thinh lặng đúng nghĩa cần lắm sự hiểu biết bản thân, và đặt mình trong kẻ khác.
      Ai làm chủ được miệng lưỡi
      sẽ làm chủ được cuộc đời mình.

      Chúc cuối tuần an lành và nhiều niềm vui nhé.

      Xóa
  2. Cái Thinh lặng ngày hôm nay của chị là cái thinh lặng của sự nín nhịn, Hay còn được dùng bằn một chữ mà nhiều người hay treo nó trong nhà đó là Nhẫn, Nhẫn nhịn hay nín nhịn cũng thế thôi. Còn thinh lặng thì xem ra có cả yếu tố thiên nhiên trong tính cách con người.
    Hành trang trong cuộc sống của mỗi con người kể cả chị và em, không thể không nín nhịn, vì chúng ta luôn là một thành viên của xã hội và của cộng đồng, mà trong xã hội thì trăm mối đan xen, trăm điều xuôi ngược trái ý trái lẽ trái luân thường đạo lý nên ai cũng phải nín nhịn kiên nhẫn. Cổ nhân từng nói: “Tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu", nghĩa là đối với chuyện nhỏ, việc nhỏ mà không kiềm chế, nhẫn nại, chịu đựng thi sẽ làm hỏng việc lớn.
    Cái sự thinh lặng khi nó thông qua sự nhẫn nhịn, dằn lòng xuống. chịu nhịn, chịu dằn lòng xuống, hay thinh lặng chịu đựng những điều cực nhục. Tất cả đó là những biểu hiện tâm lí tự làm chủ bản thân rất cao trước những áp lực bên ngoài. Chỉ làm chủ được mình mới có sự thinh lặng đúng lúc và cần thiết.
    Trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày, rất ít khi tránh khỏi mâu thuần và xung đột. Không nên “việc bé xé làm to”. Nếu chuyện nhỏ mà cố chấp, không nhẫn nhịn, tự kiềm chế thì sẽ làm hỏng việc lớn, có những câu phản ánh cái thinh lặng rất hay “Một điều nhịn là chín điều lành”.
    Trong cuộc sống, có lúc ta phải làm ngơ trước những điều trái tai của những kẻ hung hăng, hiếu thắng. Có lúc bị “bắt nạt” một cách hồ đồ mà ta vẫn phải nén lòng nhẫn nhịn, chịu đựng, cho qua... Có nên tranh luận, cãi lí với những kẻ nóng nảy, ăn nói hồ đồ, thậm chí vô lễ không? Ta phải biết “tránh voi” nhưng có lúc lại cần tránh xa “con trâu lấm”. Mà loại “trâu lấm” trên đường đời rất nhiều. Câu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, và câu “thấy cứt tránh ngang, có sang gì cứt!” là những câu tục ngữ chí lí nêu lên bài học về sự kiên trì nhẫn nại đến thinh lặng.
    Trong bài viết của chị có câu chuyện:
    “Một phụ nữ nọ đã xưng thú rằng mình nói những điều không phải đối với láng giềng. Cha xứ bảo bà làm việc đền tội bằng cách đem một con ngỗng lên đỉnh đồi mà nhổ lông trong một ngày lộng gió. Bà đã thi hành. Nhưng khi bà đến báo cáo việc làm của mình, cha xứ yêu cầu bà đi thu nhặt lại mọi chiếc lông ngỗng kia!
    - Thưa cha, con đâu thể nào làm được, vì bây giờ chúng đã bay khắp nơi, và có nhiều lông bay ra khỏi làng ta rồi! Cha xứ hỏi:
    - Con à, những lời nói xấu và vu cáo cũng như thế đấy, con sẽ chẳng bao giờ thu lại được!”
    Vậy thì ít nói thôi và nói thì cân nhắc cho kỹ và chọn những từ ngon và đẹp để dành cho người thân. Biết mười thì mới nói một , thậm chí ai đó nói rồi thay mình thì mình cũng im luôn. Ở đây em muốn nói trong chừng mực nào đó im lặng cũng có thể là một tâm hồn cao thượng, đại lượng đối với những yếu đuối, kém cỏi. Chỉ những kẻ dốt nát thiếu lương tâm mới lớn tiếng khi khi người khác. Dĩ nhiên người hiểu biết và làm chủ trí tuệ sẽ giữ miệng và làm thinh với mọi sự kể cả trái ngang!
    Đến đây thì em dừng ba hoa để chúc chị một tuần vui và may mắn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Sỏi
      một cảm nhận quá hay
      đúng ra là một bài viết quá hay,
      nầy nhé, chị sẽ học dần ở em để khi đọc một bài nào thì lần lượt đi qua từng phần, rồi nói lên cảm nhận từng phần đó, chắc chắn sẽ không thấy hết điều như em, nhưng ít nữa cũng đi vào từng phần một trong bài viết.

      Cảm nhận của em cho người đọc thích thú và thỏa lòng, vì bao nhiêu vấn đề được đưa ra trên bài đăng em đã lần lượt nói lên suy nghĩ của mình một cách thấu đáo và sâu sắc.

      Thật chính xác khi đã sống trong cộng đồng XH chúng ta không thể không nhẫn nhịn, sự nhẫn nhịn có khi chỉ để yên, nhưng cũng tập dần cho mình biết đón nhận cái khác biệt, đôi khi cả cái bất công, sự thinh lặng cũng có khi nói lên được quan điểm của mình, dù chậm đi nữa, nhưng có thể tác động và đưa đến kết quả tốt lành.

      Để có hòa khí, nhẫn nhịn luôn là bước đầu, đó đôi khi là tính cách mà cũng có khi là nhân đức, bao nhiêu sự nhẫn nhịn trong giáo dục, trong tương quan giữa những người thân trong GĐ,
      ở đâu có thêm một người, có nghĩa là có một ý kiến, một quan điểm, ở đó cần đến thinh lặng, của lắng nghe và để thấu hiểu...

      Ai cũng yếu đuối và đầy bất toàn, nên sự cảm thông để biết thinh lặng trước những bất toàn của người là điều thật cần thiết.

      Biết thinh lặng,
      là biết đem an bình
      đến cho mình và cho người.

      Cám ơn em đã dành thời giờ đọc và cho chị những cảm nhận thật quí hóa.
      Thân mến !

      Xóa
    2. "Chỉ làm chủ được mình
      mới có sự thinh lặng
      đúng lúc và cần thiết..."

      Cám ơn cảm nhận nầy.

      Xóa
    3. Chị lại cố ý làm hỏng mũi em rồi!
      Em chia sẻ và đồng cảm với những điều hay lẽ đúng mà chị đề cập, em dựa vào cốt của bài viết mà nêu cảm nhận của mình chứ có sáng tác trăm phần trăm đâu ! Mọi khi thấy chị dìm hàng em ác liệt ...Nay lại bơm cho nổi phềnh !

      Xóa
  3. Cám ơn chị Tím và cám ơn anh Sỏi. T học đuoc rat nhieu khi vào đây !
    Qui mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em đã ghé thăm chị
      đọc bài và đọc cả những cảm nhận...

      Thế nhưng chị vẫn chờ cảm nhận về bài viết của em đó Trang ơi...
      Thân thương !

      Xóa
    2. Trang ơi bài viết của chị Tím sao em lại cảm ơn anh, Chị Tím lại bảo anh cướp ơn huệ của chị thì gay go lắm!

      Xóa

Các bạn có thể dán link hình trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ