Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG MICHEL HUBAUT


Chương IX. Giáo dục bằng “sa mạc”
Theo truyền thống Kitô Do thái giáo; kinh nghiệm về “sa mạc” mang ý nghĩa về cô tịch và thinh lặng, có một chỗ đứng đặc biệt. Đấy là di sản của một kinh nghiệm quyết định, kinh nghiệm từ cuộc Xuất Hành, là biến cố đã khai sinh Dân Giao Ước.


Trong Kinh Thánh, sa mạc đã từng gợi lên những hình ảnh trái ngược. Sa mạc là miền đất hiếm thấy sự sống và con người khó lòng sống còn, là nơi tiêu biểu của những thú vật hung ác, những sức mạnh thù địch của ma quỷ, của chết chóc. Nhưng, nghịch lý thay; trong ý thức tập thể của dân Kinh Thánh, sa mạc cũng là không gian và thời gian mà dân ấy đã đẩy lùi những giới hạn của điều bất khả, ở đấy dân này đã cảm nghiệm một Thiên Chúa gần gũi, vừa là lửa nóng vừa là gió thoảng, một Thiên Chúa gắn bó với lịch sử của mình.

Bốn mươi năm đi trong sa mạc là thời gian biểu trưng cho một đời người. Một thời gian cần thiết để cho một người có đủ thời giờ khám phá, qua bao cơn đói khát Lương Thực đích thực duy nhất, và nguồn suối Nước Hằng Sống duy nhất, có khả năng làm cho mình sống mãi.

Các tác giả Kinh Thánh đã nhận ra rằng cuộc Xuất hành là một Biến Cố - Lời Mặc Khải. “Hành trình sa mạc”, đây là một cách giáo dục tiêu biểu và liên lỉ của Thiên Chúa Giao Ước. Cách giáo dục ấy vẫn còn liên hệ đến chúng ta. Vì ai trong chúng ta (dân tộc nào Giáo hội nào), một giai đoạn nào đó trong lịch sử mình mà lại không phải kinh qua một sự cô đơn đầy thử thách một “hành trình sa mạc”, khiến chúng ta phải đặt những câu hỏi căn bản về vận mệnh cá nhân và tập thể của mình?

Mọi “hành trình sa mạc” vừa là một thử thách vừa là một thời điểm ưu đãi.
Thử thách vì nó vạch trần mặt nạ dối trá; và những cái an toàn giả tạo của chúng ta. Thời điểm ưu đãi vì khi chúng ta đã trở nên đơn sơ trần trụi, không thể gian lận, thì chúng ta, trong tình trạng khó nghèo triệt để, sẽ có khả năng chấp nhận giới hạn của mình, cảm nhận sự gần gũi Thiên Chúa và ý thức về sự Đói Khát đích thực của mình.

Đấy là thời điểm mà ta ý thức rằng con người là một hữu thể chưa hoàn tất, đang đi tìm một sự hoàn thiện vượt quá khả năng mình; một hữu thể đói khát sự Tuyệt Đối.

Hành trình của dân Do Thái đi từ tình trạng nô lệ đến tự do, hành trình của Đức Kitô Phục sinh đi từ cái chết đến sự sống lại. Hành trình ấy soi rọi cho mọi “sa mạc” và sự đói khát khôn nguôi của chúng ta đói khát Đất hứa, đói khát vương quốc của Cha.

Dành vài ngày để đi vào “sa mạc”, hoặc nơi cô tịch hoặc trong một Đan viện, chính là thỉnh thoảng sống một cách rút gọn; hành trình của cả cuộc đời mà chúng ta phải đón nhận các “sa mạc” đôi khi thật bi tráng. Ít ai chọn lựa sa mạc “của mình”. Sa mạc của mỗi người đều khác nhau. Nhưng sớm muộn gì rồi ta cũng phải đi qua thôi!

Trên bình diện cá nhân, đó sẽ là một thử thách tinh thần hay thể chất, một thời gian nghi ngờ, khô khan, hụt hẫng, mà mình có cảm giác đi loanh quanh… Trên bình diện Giáo hội; “hành trình sa mạc” có thể là một Giáo hội bị bịt miệng, bị bách hại hay ngái ngủ…

Trên bình diện tập thể, thời gian “sa mạc” này có thể là thời gian mà một thiểu số bị chà đạp, một dân tộc bị xâu xé vì chiến tranh hay vì tình trạng chậm phát triển mãn tính…

Sa mạc trong đời sống lứa đôi. Sa mạc trong nội cấm Đan viện. Sa mạc của tín đồ. Sa mạc của bệnh hoạn. Sa mạc của cô đơn. Sa mạc của tư tưởng và tình cảm. Không có cuộc “hành trình sa mạc” nào giống cuộc hành trình nào, nhưng có những nhân tố chung; mà chúng ta đã thấy qua cuộc hành trình tiêu biểu của dân Giao Ước.

Thời gian “cô tịch” luôn có mặt trong hành trình phục sinh của một một cuộc đời. Thời gian mà mỗi người chúng ta, những người con mãi mãi hoang đàng nhớ lại rằng đời mình là một cuộc xuất hành đi đến Miền Đất Hứa, đất nước của Tình Yêu viên mãn, là một chuyến đi dài ngày để trở về Nhà Cha.

Sự cô tịch ấy nhắc nhở chúng ta cần phải hoán cải, ấy là mỗi sáng phải ra khỏi chính mình, là không quy hướng về mình, là chuyển hướng để đi đến với Cha và với anh chị em. Sự cô tịch ấy là lúc mà mỗi dân tộc, mỗi cộng đoàn, mỗi người chúng ta được mời gọi sống trở lại sự lựa chọn căn bản của dân Do Thái và của Đức Kitô nơi sa mạc.

Cần cả một cuộc đời để cho một con người có thì giờ khám phá rằng: xuyên bao nỗi đói khát, điều họ đói khát vào bậc nhất, ấy là đói khát yêu thương và được yêu thương mãi mãi; và thực duy nhất đích thực có khả năng làm cho họ no thỏa ấy là sự Tuyệt Đối của Thiên Chúa, là Lời Người; là Sự Sống và Tình Yêu của Người.

Cuối cùng, nếu bỏ mặc con người với chính mình họ chỉ là những hữu thể có các nỗi đói khát rất sơ đẳng. Trong nhiều thế kỷ, niềm hy vọng của dân Chúa chẳng hề đi xa hơn là mong có một miền đất mầu mỡ và những bầy thú đông đúc.
Chỉ có vài gương mặt ngôn sứ, được Thần Khí linh hứng, thúc bách dân này đào sâu cái đói đích thực của mình.

Giống như dân Do Thái lẩm bẩm trong sa mạc chúng ta thường thích ăn thức ăn có mùi vị nô lệ. Các thức ăn có mùi vị nô lệ thì nhiều lắm. Thức ăn của dễ dãi. Thức ăn của tiện nghi. Thức ăn của máy móc. Thức ăn của hèn nhát. Thức ăn của thỏa hiệp… Vì thế, muốn đào sâu cái đói đích thực của mình, chúng ta cần đến thời gian “sa mạc” mà chúng ta chọn lựa hay đón nhận.

Đấy là một “sự cô đơn” khó khăn và hồng phúc. Nó giúp ta khám phá rằng sự cao cả của con người, ấy là không ngừng bước đi, hết trại này đến trại khác, từ tình trạng nô lệ đến tình trạng tự do.

Sự cô tịch của các “sa mạc” luôn là thời gian mà mỗi người đối diện với thực tại cam go, mà ta lẩm bẩm như dân Do Thái câu hỏi lớn nhất của nhân loại:
“Có Chúa hay không, và nếu có, thì Người có thực sự cùng đi với chúng ta không?” (Xh 17, 7)

18 nhận xét:

  1. Người Do Thái đi qua sa mạc để đến Tự Do.Còn chúng ta,người dân Việt,đi qua rừng vàng biển bạc để về đâu ?Ui,hỏi ngớ ngẩn quá chị Tím nhỉ!
    Chúc chị luôn an bình trong ánh sáng của Thiên Chúa !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Quỳnh đã ghé thăm,
      cái bế tắc của dân tộc
      đang ám ảnh ta từng giây phút,
      thủ lãnh của dân Do Thái
      tha thiết với sự tự do của dân tộc
      và điều ấy được đặt lên hàng đầu,
      dưới sự bảo trợ của Thiên Chúa
      họ đã chiến thắng nô lệ...
      Xét mình lại
      liệu tự do của dân tộc mình
      có được đặt lên hàng đầu không ???!!!

      Xóa
  2. Lấy triết lý tự nhiên về sự tồn tại vật lý của Sa Mạc, biến nó thành giáo lý quả thật trìu tượng.
    Người không có lý luận hoặc ít kinh nghiệm và kiến thức thì sẽ hiểu như thế nào đây?
    Một giai đoạn nào đó trong chính cuộc đời mình mà lại không phải kinh qua một sự cô đơn đầy thử thách , đúng như một con người hành trình trên sa mạc khắc nghiệt. Gọi đó là “hành trình sa mạc” khiến chúng ta phải đặt những câu hỏi căn bản về vận mệnh, sự sống và cái chết, giữa cá nhân hay cá nhân lại đặt trong một tập thể xã hội của mình?
    Theo như lời bài viết, chúng ta hiểu họ là những người biết cách làm chủ dù là một bước đi hay một giọt nước, cái cách nhìn đời một cách khách quan, đời thật đúng là thế. Nhưng người bình thường luôn luôn nhìn đời một cách hời hợt không phải đời đúng như họ đơn giản hóa nó.
    Cho đến ngày nay, lý thuyết về y học, khoa học và kỹ thuật chưa thể khám phá ra phương cách nào có thể chữa trị, bổ khuyết sự đau đớn khổ hạnh của tinh thần, thất vọng và không toại nguyện của đời sống. Chỉ có xuất phát từ trí tuệ trong sáng do trái tim nhân hậu rộng mở để tương ứng, giao thoa với hoàn cảnh thất vọng, không toại nguyện của nạn nhân là những điều Thiên Chúa đã từng trải.
    Nhận biết Căn cứ vào bản chất của con Người, các bậc có vị trí xứng đáng như nhà tư tưởng, triết gia, khoa học uy tín cũng chỉ đem kiến thức trần thế, sức mạnh tư duy vào khả năng hùng biện để giải thích quan điểm của họ thế nào cho phù hợp mà thôi..!
    Từ khởi điểm nầy để phân tích, bản chất thực sự của cuộc sống khó thể nào toại nguyện. Bài này thật khó lý giải bởi sự trìu tượng quá , đến độ khái quát quá cao.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sỏi quí mến !
      Điều đầu tiên là chị ngạc nhiên và bài phân tích của Sỏi,
      Sỏi hiểu sâu sắc bài viết
      điều nầy không ngạc nhiên với chị
      vì khi đưa lên chị nghĩ đến Sỏi và tin Sỏi cảm nhận được nó.
      Nhưng để chờ Sỏi ghi lên cảm nhận như vậy thì thật bất ngờ với chị.
      Sỏi có năng khiếu để diễn đạt được những gì mình hiểu một cách tài tình.

      Chị hiểu bài viết, thích nó vì quá gần gũi với mình, nhưng để viết điều mình cảm nhận lại không thể.

      Cuộc sống nầy, bèo bọt
      chẳng đáp ứng được những khát khao,
      những gì xảy đến, xem ra quá phi lý, nhất là những đau khổ, bất hạnh và sự hạn chế trong cái mong manh của phận người...
      phải còn một gì khác nữa,
      không thể chỉ có những thứ đang bày ra trước mắt mình là thực...

      Kinh qua đau khổ
      trong cái tột cùng của bất hạnh
      con người như đập vỡ tung
      cái bọc quá chật chội,
      đi vào một thế giới
      ở đó mới no thỏa được khát khao...
      Khi con sâu trứt cái vỏ để có đôi cánh bay được, nó sẽ đau cở nào...
      và có ai giúp nó đi qua cái trằn trượt đó không
      hay chỉ mình nó phải tự đi qua
      nếu không chỉ là tật nguyền...

      Được đi qua và lớn lên trong đau khổ
      là một ân phúc của kẻ được gọi là con người,
      không ai đón nhận đi qua nó mà lại không giải thoát mình khỏi những ràng buộc...

      Cám ơn em đã thăm chị và cho chị một cảm nhận sắc bén, chị cất vào kho đây.

      Có thể chị và em đã hiểu nhau nhiều hơn nhờ những điều như thế.

      Xóa
    2. Chị khen em quá vậy em lại đau mũi !
      Nghề của em là ba hoa vậy đấy chị Tím ạ!

      Em tiếc hùi hụi từ chiều đến giờ chẳng hiểu sao bài viết ĐÁNH GHEN của em biến mất, thất vọng với lốc lờ quá chị ạ! lần đầu em bị thế này . Chẹp! bao nhiêu còm mọi người dành cho mình chứ!

      Xóa
    3. Chia buồn với Sỏi
      điều đó khó chịu thật
      vì không biết do đâu để mà khắc phục...
      cảm nhận của mọi người còn đó,
      có khi nào Sỏi nhớ và chép lại bài đó lên
      lại blog đi, kẻo để lâu quên thì rất tiếc...

      Chuyện em nói em hay ba hoa vậy...
      dễ gì ba hoa được chuyện nầy
      không cảm nhận được nó ngay tự thân thì sẽ nói loanh quanh thôi mà...
      Chị cảm thấy mình "biết" Sỏi, bởi vậy chị mới chia sẻ với em rất nhiều khi vừa gặp,
      đâu dễ gì để có thể nói đến mức đó...
      Phải không nào...

      Xóa
    4. E đọc entry nầy 2 lần và đọc lời còm của Anh Sỏi 3 lần !
      Dưới góc nhìn của một trí thức ( thật sự ) , anh đã đưa vấn đề , trình bày và lập luận chặc chẻ và thuyết phục T ( hôm nay thừa nước đục thả câu ) Không muốn làm anh bể mũi , chị Tím đã làm thay T rồi !
      Chỉ có câu này T cần chia sẽ cùng A nè :
      Anh nói " Người không có lý luận , ít kinh nghiệm và kiến thức ........ "
      Dạ thưa Anh !
      12 môn đệ Chúa chọn để đi cùng Ngừoi 3 năm rao giảng Đức Tin là những người đánh cá ! Ho đại diện cho lớp nguoi lao động chân tay ( như T chẵn g hạn )
      Những bà mẹ Công Giáo nuôi con bằng dòng sửa thấm nhuần Đức tin , bằng nước mắt lặng thẩm chảy ngược vào tim ! Một Đức tin kg cần lý luận và bằng cấp !
      T dọc 1 câu giờ quên mất của hiền triết nào " Những gì lý trí kg giải nghĩa được thì lấy Đức tin bù lai "
      Ý nghĩ của Thiên Chúa và con người là khoang cách kg thể san bằng nên chang thể dùng tri não cua con người để dò xét Chúa.
      Nói như vậy , kg thể hiểu là nhung nguoi Công giao tin Chúa bằng một Đuc Tin mê muội !
      Thánh Phao lo là một minh chứng : Ông là nguoi học vấn uyên thâm và là nhà hùng biện phản kháng Chúa ! Ông tìm mọi cách để tiệt đạo Công giáo ! Chúa đã dùng ông với tư cách tông đồ thứ 12 ( thay cho Giuda ) ! Ông đã dùng trí thức uyền bác , lòng nhiệt thành và một tình yêu hừng hực cống hiến để rao giảng Tin Mừng cho tat ca moi nguoi chưa biết Chúa ! Chinh vi vay mà ong noi " Ở đâu tội lỗi lan tràn ở đó ân sũng càng chứa chan gấp bội "
      T trả lời thắc mắc của Sỏi rồi đó nhé !
      Biết đâu , Thánh Phao lo dang " nhăm nhe " Sỏi và Chúa muốn dùng Sỏi làm người làm vườn giờ thứ 12 thi sao nào ??? T có khách ( kiếm cơm đã , ba hoa tợn !)

      Xóa
    5. Hè hè gứm thật đấy!
      "Người không có lý luận hoặc ít kinh nghiệm và kiến thức thì sẽ hiểu như thế nào đây?"
      Đây vừa là câu hỏi cũng vừa là câu tự vấn mình nên hiểu thế nào để viết còm cho phải nhẽ.
      Ý anh của cô là vậy ! Gứm!
      Luôn soi anh thế này có khác gì muốn anh chết non! ác quá! Hic hic!

      Xóa
    6. Ôi.......hôm nay mới biết là anh Sỏi cũng có thuốc trị, chưa phải là đã hết thuốc chữa. Hi......hi.......

      Xóa
    7. Bây giờ T mà chết , nguoi ta gọi chết già đó anh !
      Anh mà được gọi chết non là anh còn ham sống lắm lắm luôn ! Chayyyyyyy

      Xóa
    8. Khoa không ghé thì thôi
      đã ghé mà nói câu nào là như đinh đóng cột, nghe thích thật...

      Xóa
  3. Không có mưa, sao xoa dịu được mùa hè. Không có nắng, sao sưởi ấm được mùa đông. Đời nếu chỉ một màu hồng, sao gọi là bể khổ. Nếu không có người giác ngộ, sao có bậc thánh nhân...Cảm ơn chị, vì nơi này có nhiều bài hay...hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui được đón bạn ghé thăm
      và khích lệ mình.
      Khi ca ngợi cuộc sống muôn màu
      có phải mình đã ngầm chấp nhận cả đau khổ và hạnh phúc trong cuộc sống...

      Phúc cho ai biết đón nhận tất cả để phát sinh hoa trái, cuộc sống những người đó sẽ phong phú biết bao cho bản thân và cho cả tha nhân.

      Mong bạn trở lại, chúc bạn an lành nhé.

      Xóa
  4. Thăm em . Đọc và biết thêm nhiều điều . Xin cảm ơn và mong em bằng an !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh nhiều đã ghé thăm em.
      Chúc anh cuối tuần vui và an lành nhé.

      Xóa
  5. Theo em hiểu ở đây phải chăng đây là sự thử thách, trải nghiệm, biết được sa mạc, đi qua sa mạc là vượt lên chính mình và nên đi qua sa mạc để " làm người" thực sự.

    Em sang thăm chị. Em chúc chị luôn an vui ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em dễ thương của chị
      cám ơn em đã ghé thăm và để lại cảm nhận,
      ai đã từng đi qua đau khổ, không khác gì băng qua sa mạc với tất cả sự trần trụi của phận người, yếu đuối và mỏng manh.
      một khi vượt qua được thật sự
      con người đó sẽ mạnh mẽ
      tự do và thoát được nhiều ràng buộc hơn
      và như vậy bao dung và cũng hạnh phúc hơn.

      Chúc em an lành nhé.

      Xóa

Các bạn có thể dán link hình trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ