Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

NHẬT KÝ NGƯỜI GIÀ

NHẬT KÝ NGƯỜI GIÀ
Ông ơi, đi ăn cơm đi, tôi mệt, nằm một lát.
Ông cứ chờ vậy trẻ nhỏ lại cười bảo già rồi mà còn mùi mẫn.
Con ép, ông đừng cáu nhé, cứ nói nhỏ nhẹ bố ăn đủ rồi.
Nó ép mình ăn là lo đến sức khỏe của mình, là thương mình.
Cứ tưởng tượng chúng nó không màng mình no đói ra sao
hay thảy vào viện dưỡng lão toàn người xa lạ
thì còn buồn biết mấy hả ông.

Lát nữa tôi giấu ít quả nho.
Ông bị cấm đủ thứ tội quá, nó bảo nho có nhiều đường ông à.
Mà từng tuổi này rồi, sống nay chết mai biết ngày nào,
kiêng cử quá cũng khổ.
Mỗi lần dấm dúi chùm nho, ông mừng như con nít thấy thương quá,
muốn khóc luôn.
Trong ngăn đồ lót cũng còn một ít kẹo trái cây,
thèm thì ăn vài cái thôi, giấy gói kẹo bỏ lại trong bao,
chiều mai tôi đem bỏ vào thùng rác công viên.
Gớm, cứ phải ăn vụng. Chúng nó biết thì la tôi chết.
Mà chẳng sao, miễn là ông vui. À áo ông đang bận
dính kem bánh ngọt từ chiều hôm kia,
thay đi kẻo lại thưa ông tui ở bụi này.

Hồi trưa nghe trẻ bàn nhau may áo, cả cho ông nữa đó.
Thiệt tình, tủ nào cũng treo nghinh ngang mà cứ may hoài.
Trẻ nhỏ về đông đủ vui thì có vui,
mà mệt, điện thoại reo liên miên, chúng nó nhỏ to nhiều quá.
Muốn nghỉ ngơi cũng chẳng yên.
Nãy giờ bảo mẹ mệt, bây bớt lao xao cho mẹ nghỉ một tí,
vậy mà chúng cứ tới lui ra vào coi mẹ mệt ra sao.
Già cả thì nay mệt mai khỏe là chuyện thường,
nói vậy mãi nó vẫn tra hỏi,
lo lắng khóc nữa chứ! Thật dở hơi.

Bà nói hơi mệt nghỉ một lát rồi ăn cơm sau, mà cứ nằm mãi,
tôi hiểu là bà mệt nhiều, vì nếu lười thì bà đã nói lười.
Tôi không thấy đói, chẳng muốn ăn.
Bữa cơm không có bà lại càng không tha thiết nữa.
Chúng nó hùa nhau cằn nhằn bà ạ.
Rồi chắc tội nghiệp ông già, lại dỗ dành.
Tôi vẫn ngồi cạnh bà, hơi thở bà mong manh quá,
nhẹ như không, đặt bàn tay gần chẳng thấy gió.
Nhớ mỗi lần đi biển bà thường nhắc hít thở đi ông, hít sâu vô.
Và mình cùng hít ồn ào,
như thể bù lại những giờ phút giam mình trong nhà
hay đã tiêu phí thời gian thở không đúng cách.
Những lúc đó tôi có cảm tưởng buồng phổi nở ra,
căng lên, mạnh mẽ.
Bây giờ lại thấy yếu hẳn đi, như thể ai đã hút hết sinh lực mình rồi,
và tôi thở khó khăn, ngắt quãng.
Tôi muốn mình lại ra biển cho bà hít thở.
Ờ, phải chi tôi có thể hít thở cho bà để bà bớt mệt.
Tôi chưa thay áo, chẳng đứa nào để ý đến tôi bằng bà đâu.
Mắt bà không xoi mói mà tinh, thấy hết.
Tôi cũng không ăn vụng kẹo.
Có bà thì bất cứ sự vụng trộm nào cũng vui,
mình chỉ mỉm cười với nhau
là điều gì cũng thành trò chơi bí mật mà ngay tình.
Giờ không cầm viên kẹo từ tay bà dấm dúi
thì như tôi gian lận cái gì.
Tôi không thèm ngọt đâu, bà đừng lo.
Tôi thèm ngồi nhìn bà im lìm…Bà ơi, nói gì đi! 



Đêm qua tôi khó ngủ ông ạ. Trằn trọc mãi.
Rồi chợp mắt lại mơ thấy mình bay lên trần nhà,
nhìn xuống ông ngủ mà mặt mày không thư dãn chút nào.
Có lúc ông nấc cụt hay khóc ấm ức.
Tôi vội vàng đáp xuống ôm chặt ông
như mỗi lần một trong hai đứa mình giật mình trong đêm.
Thấy ông nhăn nhó, lại sợ ôm chặt quá ông tỉnh ngủ,
tôi buông ông ra, rồi tỉnh dậy.
Tôi rón rén ra nhà ngoài, trẻ con nằm la liệt.
Tôi đi một vòng hôn đám cháu nội ngoại đang say ngủ,
đứa nào trông cũng bình an.
Con TiTi ôm chú sư tử mình mua cho nó hôm sinh nhật.
Ông đừng buồn, trẻ con mà,
nó thích chạy chơi chớ có thích ngồi nghe mình kể chuyện đâu ông.
Sách truyện đầy nhà,
đêm nào trước khi ngủ bố mẹ cũng đọc cho nghe,
toàn chuyện công chúa hoàng tử
hoặc các nhà thám hiểm cực Bắc cực Nam,
chuyện của mình thì từ thuở ở quê,
nó có hiểu “tát nước ruộng” hay “nơm tôm” là gì,
giải thích chúng cũng không hình dung ra được,
nhất là mình kể đôi khi cũng chẳng đầu đuôi mạch lạc gì…

Tôi trở về phòng khe khẽ nằm xuống cạnh ông,
hít mùi da thịt ông lười tắm mà vẫn thơm tho.
Đúng là vợ chồng quen hơi ông nhỉ.
Tôi hôn nhẹ lên trán, tựa đầu lên vai và đan tay ông.
Mình luôn luôn đan tay nhau khi ngủ mà.
Tôi kéo áo và sửa lại chiếc gối ngay ngắn cho ông.
Ông có giấc ngủ sâu,
thường bảo “giấc ngủ của người ngay thật”,
làm gì cũng chẳng thức.
Qua ánh đèn hành lang rọi vào,
tôi nhìn ông thật kỹ, từng nét.
Người ta bảo nếu nhìn kỹ người thân
mình sẽ không nhận ra người ấy nữa.
Vậy mà tôi vẫn nhận ra ông,
vì tôi thường nhìn mỗi khi ông ngủ.
Không biết ông có nhìn khi tôi ngủ không,
chớ càng nhìn càng thương ông ạ.
Tôi thấy rõ từng nếp nhăn,
mỗi ngày một nhiều và sâu,
nó như sợi thừng cột vợ chồng già mình
mỗi lúc một chặt hơn.
Cái đầu đó chịu đựng
hết những lúc trái tính dở hơi của tôi.
Nhớ thời còn trẻ mỗi lần ông ăn nói vụng về,
nháy nhó ra dấu cho ông im
lại cứ hỏi to lên em muốn nói gì,
vậy là nháy nhó chẳng còn hiệu lực gì nữa.
Tôi thường mong ông đi trước,
tôi lo mọi thứ cho đầy đủ, và tôi xoay sở được.
Còn ông thì vụng về.
Trẻ nhỏ cứ nói bố không biết làm gì hết
mà nói không chịu nghe.
Nghĩ đến ngày lỡ ra tôi đi trước,
còn ông một mình tội quá…

Bà à, lạ lùng nhỉ, đêm qua tôi thấy mình về quê.
Làng xưa có khác đi nhiều nhưng ruộng đồng vẫn còn bao la tít tắp.
Con đường nhỏ dẫn vào làng bây giờ đã tráng nhựa, rộng rãi.
Chiếc cầu tre dập dềnh bắt qua sông đã thành cầu đá tự thuở nào,
và nước sông thì trong veo thấy đáy.

Mình vào làng, trẻ nhỏ chạy theo như rước đèn.
Cả xóm rộn rã hẳn lên.
Bà nói vui quá, chứng tỏ là hàng họ còn nhớ nghĩ đến mình.
Qua cánh cổng gỗ đã mục sứt mẻ nhiều chỗ,
cánh cổng nặng trịch chắc chắn
mà hồi xưa mỗi lần mở ra đóng vào
kêu vang cả xóm lặng yên, xuyên hết mảnh vườn,
mình cùng hân hoan như trẻ nít
chạy ngay vào hiên có cậu mợ đứng chờ.
Ai cũng có vẻ tráng kiện trẻ trung.
Mợ mặc áo bà ba màu kem nhạt
bà mua hồi Tết năm sinh mẹ con TiTi,
và cậu trong chiếc áo dài the đen nói sắp đi ăn cỗ.
Tôi lại đòi đi theo mà cậu không cho,
cười nhạo tôi như đám con thường trêu
“bố giống con nít”.
Nhưng mẹ và bà thì không nói gì,
chỉ nhíu mắt lắc đầu nhè nhẹ.
Tôi may mắn có hai người đàn bà thương yêu thông cảm.
Một lát ba người nhìn nhau như có gì riêng tư mà tôi ngoài cuộc,
bà bảo “ tôi ở chơi với cậu mợ, ông về trước kẻo trẻ nhỏ nó lo”.
Rồi cả ba đẩy tôi ra cổng.
Tôi đi, ngoái lại thấy bà nhìn theo buồn thiu,
bà nhỏ nhắn lọt thõm giữa cậu mợ.
Tự nhiên tôi khóc,
thiếu bà dù chỉ đoạn đường rất ngắn cũng là diệu vợi…
Tôi la to lè lẹ mai mốt về nghe bà.
Rồi tôi giật mình thức dậy,
dưới bóng đèn mờ bà cựa mình rên khe khẽ,
tôi kéo chăn ngay ngắn cho bà.
Trẻ nhỏ bàn ra tán vào cái gì,
vẻ bí mật như chuyện quốc gia đại sự.
Tôi hỏi có chuyện gì không,
đứa nào cũng lắc đầu nói không.
Bà chỉ bịnh nằm đó mà tôi đã thấy
không còn phương hướng nữa.
Hồi chiều mấy đứa cháu đã nghịch
che khuôn mặt thanh tú của bà
bằng chiếc khăn thêu trắng toát…Bà ơ i! 


Ông ơi tôi thấy rồi. Té ra… té ra…
Coi chừng, khóc thì trẻ nhỏ nó trêu cho.
Nếu hồi giờ mùa đông,
ông thường vào giường nằm trước cho ấm chỗ
rồi mới để tôi vào, thì bây giờ
tôi sẽ sưởi trước chăn đệm cho ông, ông nhé.
Trời đất ơi. Trời đất ơi. Thương ông quá…

Bà ạ, tôi đã bảo cho bố ngồi bên mẹ lâu lâu,
nhưng chúng nó kéo tay tôi ra khỏi tay bà.
Người ta đến đặt bà nằm vào chiếc giường lạ hoắc,
tôi hỏi bây đưa mẹ đi bịnh viện à.
Thấy chưa, rõ ràng bà bịnh nhiều mà.
Tại bà cứ nói để bà gánh hết bịnh hoạn của tôi luôn.
Giường chật quá, tôi cố chen vào mà nào được yên
lựa thế nằm cho vừa đâu, chúng nó kéo ra ngay,
cho uống thuốc gì ngủ li bì không mộng mị.
Khi thức dậy, nhà rộn ràng kẻ ra người vào
khiến tôi chóng mặt.
Chúng nó tắm táp cho tôi như con nít, bắt uống sữa và ăn.
Tôi nghẹn, không nuốt được, bảo gọi mẹ xuống ăn với bố.
Bà không xuống, nói đã ăn rồi.
Rồi chúng nó bận áo mới cho tôi.
Ai cũng mặc áo mới. Tất cả (chắc vậy) lên xe.
Tôi hỏi mẹ đâu, chúng bảo mẹ ngồi xe khác rộng hơn.
Xe ngoằn ngoèo, ngoằn ngoèo
đi qua nhiều con đường lạ hoắc.
Cuối cùng dừng lại. Khu vườn mênh mông
với lối đi ngang dọc rộng rãi
toàn cổ thụ như công viên, đẹp bà nhỉ.
Chắc làm pic-nic. Xuống xe.
Coi chừng trợt chân nghe bà.
Con cháu mình chu đáo đem sẵn ghế cho tôi ngồi.
Tôi hỏi mẹ đâu. Mẹ đi toa lét.
Lơ mơ thấy nhiều người nói gì chẳng nghe rõ,
thiên hạ có vẻ nghiêm túc quá.
Nắng man mác. Hoa nở tưng bừng.
Vậy mà tôi mệt. Bà đi toa lét lâu nhỉ…
Rồi chúng đỡ tôi đứng lên, chỉ ba bốn bước mà xa tít tắp.
Trước mắt là cái hố. Tôi hỏi cái hố gì đó.
Chúng bảo không có gì,
bố ném nắm đất này xuống đó đi.
Tôi hỏi chi vậy, chúng hỏi lại
bố nhớ hồi xưa dạy chúng con
hạt đất quê hương là quý lắm,
phải đặt nó vào nơi nào mình tha thiết nhất, đúng không bố?
Ờ đúng.
Đây nữa, bố thảy cành hoa này xuống hố đi.
Chi vậy con?
Hồi xưa hái hoa cho mẹ,
bố thường bảo tặng nhau một cành hoa
vẫn hơn nói lời nặng nhẹ, đúng không?
Ờ, mà mẹ đâu?
Mẹ chờ bố ở nhà.
Tội nghiệp, đừng để mẹ chờ lâu,
mau mau cho bố về với mẹ đi con…


Trích Email: huongsenhh10@

4 nhận xét:

  1. Tình cảm của bạn già với thật cảm động và tuyệt vời lắm TH à
    Cảm ơn nhé.Ngày mới an lành,Mến
    http://img.viennam.vn/Sites/605/FCKEditor/image/uong%20tra%20nong.jpg

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CÁM ƠN ANH ĐÃ THĂM TÍM
      EM THẬT XÚC ĐỘNG KHI ĐỌC BÀI NẦY...
      ĐÃ LÀ TÌNH YÊU
      THÌ CÀNG NGÀY CÀNG SÂU CÀNG ĐẬM.
      CÓ CON CÁI NÀO HIỂU SÂU SẮC BỐ MẸ ĐAU KHỔ THỂ NÀO KHI HỌ LÌA XA NHAU...

      CHÚC ANH CUỐI TUẦN AN VUI

      Xóa
  2. Nhật ký của vợ chồng già vừa như lời đối thoại,vừa như mô tả hết những nghĩ suy thầm kín của tuổi gần đất xa trời.Thật đẹp với tấm lòng biết quan tâm và chia sẻ cho nhau.Đây là nguồn an ủi,động viên tinh thần lớn lao nhất dành cho người già.....
    Cảm ơn Tím !
    Chúc Bạn thanh thản !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ĐÚNG NHƯ BẠN NÓI
      ĐỌC BÀI NẦY TÍM MỚI THẤY LẠI
      HẾT TẤT CẢ NHỮNG CẢM XÚC CỦA BA MẠ KHI VỀ GIÀ
      VÀ RƠI NƯỚC MẮT
      VÌ MÌNH ĐÃ KHÔNG HIỂU ĐỦ.

      CHÚC BẠN AN LÀNH.

      Xóa

Các bạn có thể dán link hình trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ