Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015


607. NGƯỜI BẠN CHIA SẺ THUỞ THIẾU THỜI.
Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên cái ngày vui mà gia đình tôi lắp điện thoại. Khi ấy, gia
đình tôi là một trong những hộ được lắp điện thoại đầu tiên trong vùng. Tôi nhớ rõ chiếc hộp
điện thoại bằng gỗ sồi bóng loáng gắn trên bức tường cạnh chân cầu thang. Chiếc ống nghe
xinh xắn nằm gọn gang bên hông chiếc hộp. Thậm chí tôi còn nhớ cả số điện thoại của chúng tôi - 105. Do còn quá nhỏ, chưa thể với tay tới chiếc hộp nên tôi thường đứng nghe ngóng một cách chăm chú và thích thú mỗi khi nghe mẹ tôi nói chuyện qua điện thoại.


Có hôm mẹ cũng bế tôi lên để tôi nghe tiếng của bố phát ra từ trong ống nghe. Giây phút đó thật là tuyệt vời!
Một thời gian sau, tôi khám phá ra ở đâu đó bên trong chiếc máy kỳ diệu ấy có một con người lạ lùng đang ẩn náu
. Tên của cô ấy là: “Xin cho biết điều cần giúp đỡ”.
Cô ấy biết tất cả mọi chuyện vì mỗi khi mẹ tôi muốn tìm số điện thoại của ai đó hoặc cần biết giờ chính xác để chỉnh chiếc đồng hồ chạy chậm, mẹ thường gọi điện hỏi cô ấy.
Một hôm, khi mẹ sang thăm hàng xóm, tôi mới có dịp tiếp xúc lần đầu tiên với con người tuyệt diệu ấy.
Hôm đó, tôi đang tự chế một món đồ chơi và vô tình để chiếc búa gõ vào ngón tay cái. Đau lắm, nhưng tôi biết có khóc cũng vô ích vì không có ai ở nhà để an ủi tôi cả.
Tôi đi lòng vòng quanh nhà, miệng ngậm ngón tay bầm tím. Rồi tình cờ tôi bước tới gần cầu
thang và thấy chiếc điện thoại! Tôi kéo ghế tới gần, trèo lên và cầm lấy ống nghe.
Sau vài tiếng tút tút, một giọng nói dịu dàng vang lên: “Xin quý khách cho biết điều cần giúp đỡ”.
- Cháu lỡ gõ cái búa nên làm ngón tay bị thương. - Tôi thút thít.
- Có ai ở nhà với cháu không?
- Chỉ có mình cháu ở nhà thôi ạ! - Tôi đáp.
- Ngón tay cháu có chảy máu không?
- Dạ không. Ngón tay chỉ bầm và sưng tím.
- Cháu có thể mở tủ lạnh không? - Cô ấy hỏi, và tôi đáp rằng tôi mở được.
- Vậy hãy lấy một viên nước đá đặt lên ngón tay đau của cháu nhé. Nó sẽ giúp cháu bớt đau ngay. Cẩn thận khi cạy nước đá đấy, - cô khuyên nhủ, - và hãy nín khóc nữa. Cháu sẽ nhanh chóng hết đau thôi.
Sau lần ấy, tôi gọi cô “Xin cho biết điều cần giúp đỡ” vì mọi chuyện trên đời. Tôi nhờ cô giúp tôi về môn địa lý, cô ấy đã cho tôi biết bang Philadelphia và dòng sông Oricono lãng mạn mà tôi muốn thám hiểm khi lớn lên nằm ở đâu. Cô ấy giúp tôi làm toán và báo cho tôi biết chú sóc nhỏ mà tôi bắt được trong công viên rất thích ăn trái cây và hạt đậu.
Khi Petey - con chim hoàng yến cưng của tôi chết. Tôi gọi và kể cho cô nghe tôi buồn như thế nào, cô lắng nghe rồi an ủi tôi. Nhưng tôi vẫn chưa hết buồn: “Vì sao một con chim dễ thương và mang niềm vui tới cho cả nhà cuỗi cùng chỉ còn là nắm lông nằm bất động dưới đáy lồng cơ chứ?”
Hẳn là cô ấy cảm nhận được nỗi đau sâu sắc của tôi, nên cô chậm rãi nói “Paul, cháu nên nhớ
rằng vẫn còn những thế giới khác để con chim của cháu tiếp tục hót.”
Nghe những lời cô ấy nói, tôi cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
Một lần khác tôi lại gọi cho cô. “Xin cho biết điều cần giúp đỡ.” Giọng nói giờ đây đã rất quen thuộc vang lên.
- Cô đánh vần chữ “cố định” thế nào ạ?
- Cố định một vật gì đó phải không? C-Ố Đ-Ị-N-H.
Ngay lúc ấy, chị tôi chợt nhảy ra từ sau cầu thang và la lên - “Hùuuuu!”. Tôi mất thăng bằng ngã khỏi chiếc ghế, lôi theo chiếc ống nghe và làm đứt luôn sợi dây. Cả hai chị em chúng tôi sợ hết hồn. Cô “Xin cho biết điều cần giúp đỡ” không lên tiếng nữa. Và không biết mình có làm cô ấy bị thương khi làm đứt dây điện thoại không nữa. May mắn là sau đó, điện thoại được sửa và cô “Xin cho biết điều cần giúp đỡ” vẫn ở đó trò chuyện với tôi.
Năm tôi lên chín tuổi, cả nhà tôi chuyển về Boston, từ đó tôi lạc mất người cố vấn thân
thương của mình. Cô “Xin cho biết điều cần giúp đỡ” mãi mãi nằm trong chiếc hộp điện thoại bằng gỗ sồi gắn trên tường ngôi nhà cũ. Tôi cứ nghĩ như thế nên chưa từng thử một lần gọi cho cô bằng chiếc điện thoại mới đặt trên bàn trong phòng khách của ngôi nhà ở Boston.
Những năm học ở trường trung học, mỗi khi tôi cảm thấy ngờ vực hoặc khó nghĩ về một vấn đề nào đó tôi lại nhớ đến cảm giác an toàn ngày xưa kho biết rằng tôi có thể gọi cho cô “Xin
cho biết điều cần giúp đỡ” vào bất cứ lúc nào và sẽ có ngay lời giải đáp chính xác. Tôi xúc
động khi nghĩ đến sự nhẫn nại, thấu hiểu và ân cần của cô. Cô đã chịu mất rất nhiều thời gian
cho một thằng nhóc như tôi.
Vài năm sau, trên đường đến trường đại học ở Seattle, tôi có khoảng nửa giờ chờ đổi chuyến
bay. Không hề dự tính trước, tôi gọi về số điện thoại tổng đài của thị trấn quê nhà và nói “Xin
vui lòng hướng dẫn”.
Thật diệu kỳ, tôi nghe lại giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng mà tôi rất quen thuộc: “Xin quý khách
cho biết điều cần giúp đỡ”.
Tôi chợt nghe tiếng của mình vang lên:
- Xin cô vui lòng cho biết chữ “cố định” đánh vần thế nào ạ?
Có một khoảng im lặng khá lâu. Rồi giọng nói dịu dàng đáp:
- Cô đoán là ngón tay của cháu đã lành rồi.
Tôi cười to mừng rỡ:
- Vậy thật sự là cô vẫn còn đó. Cháu tự hỏi không biết cô có biết rằng cô có ý nghĩa vô cùng quan trọng với cháu trong suốt quãng thời gian qua không?
- Cô cũng tự hỏi không biết làm cách nào để cho cháu hiểu rằng cô rất mong những cuộc gọi
của cháu. Thật buồn cười, phải không cháu? Cô chưa từng được làm mẹ nên...
Đầu dây bên kia chợt im lặng. Cả hai đều xúc động. Cuối cùng, để phá tan bầu không khí, tôi
kể về cuộc sống hiện tại của tôi và hứa rằng sẽ liên lạc với cô sau khi kết thúc học kỳ đầu tiên.
- Cô luôn đợi tin cháu. Hãy hỏi cô Sally.
Vậy là giờ đây cô “Xin cho biết điều cần giúp đỡ” đã có một cái tên cụ thể.
Ba tháng sau, khi quay lại phi trường Seattle và gọi điện thoại cho tổng đài, tôi nghe một
giọng nói khác trả lời “Xin cho biết điều cần được giúp đỡ”. Tôi đề nghị gặp Sally.
- Cậu là bạn của bà ấy à?
- Vâng, một người bạn cũ.
- Rất tiếc phải báo cho cậu biết rằng bà Sally chỉ làm việc bán thời gian trong vài năm gần đây
vì đau ốm thường xuyên. Và bà ấy đã mất cách đây năm tuần.
Tôi thẫn thờ gác máy. Nhưng trước khi tôi nhấc ống nghe ra khỏi tai, cô ấy bỗng nói tiếp :
- Xin chờ chút, Cậu bảo tên cậu là Paul Villiard phải không ?
- Vâng.
- Bà Sally có để lại cho cậu một lời nhắn.
- Đó là gì thế? - Tôi hỏi, gần như đã biết trước câu trả lời.
- Đây rồi, tôi đọc nhé! « Nhắn với cậu ấy rằng tôi vẫn còn quanh đây và luôn lắng nghe để giúp đỡ cậu ấy ».
Tôi cảm ơn và gác máy. Tôi đã hiểu, thế sao nước mắt vẫn không ngừng tuôn rơi.
- Thành Nhân / theo Information Please

(nguồn: Hạt giống tâm hồn 6)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể dán link hình trực tiếp vào comment mà không cần dùng thẻ